If you're seeing this message, it means we're having trouble loading external resources on our website.

Nếu bạn đang sử dụng bộ lọc web, vui lòng kiểm tra lại xem bộ lọc có chặn hai tên miền *.kastatic.org*.kasandbox.org hay không.

Nội dung chính

Phần 1: Trò chuyện cùng Sal Khan và Hadi Partovi

Cùng lắng nghe trò chuyện giữa Sal Khan (Khan Academy) và Hadi Partovi (Code.org) về việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lớp học. Cuộc trò chuyện bàn về những vấn đề gây tranh cãi xung quanh AI trong môi trường giáo dục. Thực hiện bởi: Code.org, ETS, ISTE, và Khan Academy.  Được tạo bởi Code.orgKhan Academy.

Tham gia cuộc thảo luận?

Chưa có bài đăng nào.
Bạn có hiểu Tiếng Anh không? Bấm vào đây để thấy thêm các thảo luận trên trang Khan Academy Tiếng Anh.

Thuyết minh video

TỔNG QUAN VỀ AI DÀNH CHO GIÁO VIÊN Chào mừng đến với khóa học <i>AI 101 for Teachers</i>. Tôi là Jess. Tôi từng là giáo viên và hiện nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục người lớn. Tôi sẽ là hướng dẫn viên của bạn trong chuỗi video này. Trí tuệ nhân tạo hay AI đã trở thành một chủ đề nóng trong giáo dục khiến nhiều giáo viên đặt những câu hỏi như "AI là gì?" "Học sinh có dùng AI để gian lận không?" "AI có thay thế vị trí của giáo viên không?" "Tôi nên dạy AI cho học sinh như thế nào?" Ở chuỗi video học tập phát triển nghề nghiệp này, mục tiêu của chúng tôi là giải đáp các câu hỏi như trên, đồng thời trang bị cho bạn kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp bạn định hướng trong bối cảnh mới. Trong video này, ta sẽ gặp Hadi Partovi, người sáng lập tổ chức Code.org và Sal Khan, người sáng lập Khan Academy. Hãy lắng nghe chia sẻ của Hadi và Sal về một số câu hỏi quan trọng liên quan đến AI trong giáo dục. TỔNG QUAN VỀ AI DÀNH CHO GIÁO VIÊN TRÒ CHUYỆN CÙNG HADI PARTOVI VÀ SAL KHAN AI LÀ GÌ VÀ TẠI SAO AI QUAN TRỌNG VỚI GIÁO DỤC? AI đã xuất hiện từ lâu. Nhưng với sự ra mắt của ChatGPT và các công cụ tương tự, ta thấy rằng AI thực sự có thể tạo ra thông tin, sáng tạo bài viết, hình ảnh và cả video. Như vậy, một công cụ trước đây chỉ dùng để khớp mẫu bây giờ đã có thể tạo ra ý tưởng mới, suy nghĩ mới. Lý do điều này quan trọng trong giáo dục là vì nhiều việc trong giáo dục trước đây do giáo viên và học sinh thực hiện thì giờ đều có thể được hoàn thành tự động bởi AI tạo sinh. Tôi biết rằng hai chúng ta đều là những người yêu công nghệ và đã chú ý đến AI tạo sinh trong nhiều năm qua. Khi có GPT 2, Elon Musk đã có phát biểu nổi tiếng rằng AI phải được kiểm soát vì những điều AI viết ra có thể đầy lý lẽ nhưng thực chất lại vô căn cứ, nên người ta có thể dùng AI để tạo tin giả. GPT 3 có chức năng tương tự nhưng làm còn tốt hơn, nên cũng khiến mọi người lo lắng hơn. Sau đó, ta lại có Dall-E giúp ta tạo ra hình ảnh. Ví dụ, với bức tranh Mona Lisa, bạn hỏi máy tính hoặc AI tạo sinh "Phía sau Mona Lisa trông như thế nào?" thì AI sẽ tạo cảnh phía sau Mona Lisa cho bạn. Khi theo dõi những điều này suốt nhiều năm, tôi đã nghĩ những ứng dụng này có vẻ thú vị và độc đáo đấy nhưng AI sẽ chưa thể trở nên hữu ích ngay trong tương lai gần đâu, đặc biệt là trong giáo dục. Tuy nhiên, câu chuyện đã hoàn toàn thay đổi khi GPT 3 được nâng cấp thành GPT 3.5, hay ChatGPT và đặc biệt là GPT 4. Tôi thực sự ngạc nhiên khi mới chỉ vài năm trước, công nghệ này còn rất mới lạ nhưng giờ lại có vẻ hiểu được thông tin và biết cách lý giải. Không chỉ biết trả lời câu hỏi mà còn giải thích được tại sao trả lời như vậy mà không phải theo cách khác. Đó chính là AI "tạo sinh". AI có thể tạo các câu hỏi tương tự hoặc bạn có thể đặt câu lệnh để AI trở thành một giáo viên hay trợ giảng. Từ đây, ta bắt đầu hiểu rằng thế giới bây giờ đã thay đổi. Và điều này không chỉ liên quan đến giáo dục mà còn có thể trực tiếp chuyển đổi nền giáo dục một cách đáng kể. GIỚI THIỆU VỀ AI KHÁI NIỆM VÀ CÁCH VẬN HÀNH CỦA MÔ HÌNH NGÔN NGỮ LỚN Khi bạn dùng công cụ như ChatGPT hay bất kỳ công cụ nào tạo văn bản hoặc viết mã lập trình bằng AI, các công cụ này dựa vào một công nghệ nền tảng gọi là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Về cơ bản, LLM là một mạng lưới nơ-ron khổng lồ được đào tạo bởi tất cả các thông tin như sách hoặc bài viết hoặc mã lập trình có thể tìm trên Internet để sau đó có thể thực sự tạo ra thông tin mới, bài luận mới, câu chuyện hoặc mã mới. Điều đáng lưu ý là công nghệ này không có trí thông minh thật sự mà chỉ dùng thống kê xác suất để tạo thông tin mới. Ở Code.org, chúng tôi đã tạo một loạt video giải thích cụ thể cách các LLM vận hành. Mira Murati - Giám đốc Công nghệ của OpenAI cũng có mặt trong chuỗi video này để giải thích về LLM. Từ việc hiểu được AI dựa vào thống kê để chọn ra từ phù hợp nhất, tôi cảm thấy chúng ta cũng ý thức được về cách con người suy nghĩ. Khi tôi nói chuyện với anh bây giờ, tôi chỉ đang diễn tả các dòng suy nghĩ trong đầu bằng văn nói và không ý thức được việc chọn từng từ tiếp theo. Từ tiếp theo cứ tự nhiên xuất hiện. Mô hình ngôn ngữ lớn như anh nói là một mạng lưới nơ-ron của máy tính mô phỏng lại các nơ-ron và kết nối thần kinh của con người. Và mạng này đang dần trở nên phức tạp như một phần của não người. Hiện nay, AI chưa có ý thức tự thân hay có động lực và ý muốn riêng ngoài những gì con người yêu cầu AI thực hiện. Nhưng đúng vậy, ta nên lưu ý là số liệu thống kê, các con số bên trong AI tạo sinh hay mô hình ngôn ngữ lớn về cơ bản chính là tương đương với các khớp nối thần kinh trong hệ thần kinh ở não. Ta có hàng nghìn tỷ tế bào thần kinh. Độ bền của các khớp nối tạo nên trí nhớ, suy nghĩ và trí thông minh của ta. Các mô hình ngôn ngữ lớn thì đang mô phỏng điều đó bằng hàng triệu máy tính. Vậy mô hình này có thật sự có trí thông minh không? Ít nhất các mô hình này đang thể hiện cách não bộ hoạt động. Điều thú vị là mô hình này vận hành dựa trên toán học. Còn não bộ hoạt động dựa trên nơ-ron. Nhưng kết quả vận hành của mô hình ngôn ngữ lớn cũng khá giống kết quả hoạt động của não bộ. GIỚI THIỆU VỀ AI GIÁO VIÊN NGHĨ GÌ VỀ AI? Tôi nghĩ hầu hết những ai làm trong giáo dục đều từng ngạc nhiên khi có thể yêu cầu AI viết một bài luận về nội chiến Hoa Kỳ hoặc giải thích về quang hợp hay viết một câu chuyện ngắn kể về công chúa sống trên sao Hỏa hoặc viết chương trình để đảo hoặc tráo một bộ bài. Những nhiệm vụ đó có thể chính là bài tập hoăc bài kiểm tra cho học sinh. Với giáo viên, họ có thể yêu cầu AI soạn kế hoạch bài giảng hoặc làm bản trình chiếu về các chủ đề lịch sử. Nhìn chung, AI làm các nhiệm vụ này khá tốt và khiến ta phải nghĩ lại về cách ta làm giáo dục. Tôi hoàn toàn đồng ý và khả năng của AI còn có thể hơn thế nữa. AI có thể trả lời các câu hỏi và làm các nhiệm vụ vậy ta cũng có thể yêu cầu AI đóng giả một ai đó. Ví dụ như, giả làm Robin Williams trong phim <i>Câu Lạc Bộ Thi Ca</i> và truyền cảm hứng văn học cho tôi. Và AI thực sự làm được. Khả năng của AI ngày càng kỳ lạ. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC DÙNG AI CÓ PHẢI LÀ GIAN LẬN KHÔNG? Rất khó để các trường quyết định học sinh có thể dùng hay không dùng công cụ nào để làm bài về nhà. Thực tế, phần lớn bài về nhà được dạy và giao ở hầu hết các trường ngày nay, có thể được hoàn thành tự động bởi AI. Khi ChatGPT vừa mới ra mắt, tôi đã cho con trai 16 tuổi của tôi xem. Câu hỏi đầu tiên của bạn ấy là "Con có được dùng để làm bài tập không?" Con tôi rất phấn khích. Khi tôi định trả lời thì con tôi hỏi, "Vậy ta cần trường học làm gì nếu công cụ này có thể làm tất cả?" Hai câu hỏi này là hai nút thắt mà tôi thấy giáo viên cần suy nghĩ. Vì nếu ta tiếp tục giao bài về nhà như cách thông thường thì học sinh có thể dùng AI để làm thay và giáo viên có thể nói đó là gian lận. Nhưng ta cũng phải thay đổi cách suy nghĩ về các bài tập học sinh phải làm ở nhà. Ta khó có thể kiểm soát quá trình làm bài ở nhà của học sinh. Nhưng tôi cũng thấy một điểm sáng của AI. Trước khi có ChatGPT, bạn có thể có chị gái hoặc ai đó như bố mẹ, gia sư giúp làm bài nhưng trẻ em nghèo thì không có. Điểm bất công lớn nhất trong hệ thống trường học của chúng ta hiện hữu vào những thời điểm học sinh không ở trường, như khi các em làm bài tập ở nhà. Tôi và anh thì có thể giúp con mình hoặc nhờ người thân, thuê gia sư cho con. Nhưng nhiều gia đình không có điều kiện làm vậy. Sự bất công cũng phát triển từ đây. Nếu có thể làm càng nhiều thứ ở trường học thì càng tốt. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC AI GIÚP ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG TRONG TIẾP CẬN GIÁO DỤC THẾ NÀO? Khi nói về sự bất công bằng và AI, có hai điều gần như trái ngược nhau đang diễn ra. Một mặt, AI thu hẹp khoảng cách bất công khi những học sinh có thể truy cập AI sẽ có gia sư cá nhân với chi phí thấp. Các em ấy có thể làm xong nhiều thứ mà có thể ngày trước cần tốn nhiều tiền hơn thì mới làm được. AI cung cấp siêu năng lực cho bất kỳ ai có quyền truy cập. Mặt khác, học sinh không có Internet, không có thiết bị như điện thoại hoặc máy tính, thì bị bỏ lại phía sau vì giá của các sản phẩm điện tử ngày càng cao so với trước đây. Và đây là một siêu năng lực mà học sinh đó không có. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC GIẢI PHÁP CHO NHỮNG THÁCH THỨC VỀ THIÊN KIẾN VÀ QUYỀN RIÊNG TƯ LÀ GÌ? Như đã thảo luận, công nghệ AI có điểm mạnh và lợi ích nhưng cũng có điểm yếu và rủi ro. AI có thể mắc sai sót, tạo ra thông tin sai lệch, có thiên kiến. AI có thể có thiên kiến chính trị hoặc phân biệt chủng tộc, giới tính. AI có thể bị lợi dụng để tạo nội dung nguy hiểm. Ta có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn. Đó chính là lý do tại sao trường học và các nhà giáo dục, trong nhiều trường hợp, cho rằng không nên vội vàng dùng AI. Nhưng ta cũng cần lưu ý là không có một công cụ nào chỉ vận hành bởi AI. Có nhiều công cụ đang được phát triển, một số có chức năng đa dụng như ChatGPT không được cấp phép cho học sinh dưới 18 tuổi sử dụng. Người ta cũng đang phát triển hàng tá công cụ với mục đích giáo dục. Ví dụ như Khan Academy có Khanmigo. Đó là một ví dụ tuyệt vời. Các công cụ này đã có quy trình cụ thể để giải quyết các rủi ro và điểm yếu của AI, từ đó bảo vệ quyền riêng tư của học sinh, găn tạo thông tin sai lệch, ngăn tạo thiên kiến hay các nội dung nguy hiểm. Vậy việc quan trọng nhất mà các nhà giáo dục hay ít nhất là bộ phận công nghệ thông tin làm giáo dục cần nghĩ đến không phải là cấm hay cho phép dùng AI mà là chọn công cụ AI đã giải quyết được những mặt trái của AI và phù hợp cho giáo dục. Đúng vậy, tôi rất đồng ý với anh. Tôi đồng ý cả về các nhược điểm anh đã nêu như thiên kiến, thông tin sai lệch, sai sót hoặc hư cấu. Tôi cũng luôn chỉ ra rằng Internet cũng có những vấn đề như thiên kiến, thông tin sai lệch. Chúng vốn đã tồn tại. Con người cũng có những vấn đề như vậy. Và thường ta không thể kiểm tra rõ ràng mọi thứ, điều gì là sự thật và điều gì là thiên kiến. Theo một cách nào đó, mặt trái của AI cũng bắt nguồn từ đây. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC KHANMIGO LÀ GÌ? CÔNG CỤ NÀY GIÚP GIẢI QUYẾT NHỮNG LO NGẠI VỀ AI TRONG GIÁO DỤC THẾ NÀO? Chúng tôi đang nghiên cứu AI tạo sinh và các mô hình ngôn ngữ lớn từ khoảng giữa năm 2022. Sau đó đến cuối tháng 11, ChatGPT ra mắt và nhanh chóng nổi lên như làn sóng vì khi tương tác với ChatGPT, ta đều thấy AI thật kỳ diệu. Chatbot này cũng ngay lập tức gây chấn động đồng giáo dục và giáo viên. Nếu thứ này có thể viết luận và chắc chắn học sinh cũng biết thứ này viết được luận, vậy đây là một công cụ để gian lận. Tôi cũng đã rất lo lắng vì đúng như vậy. ChatGPT có thể được dùng để gian lận và người ta không tạo ra công cụ này để cho giáo dục. Tháng 3 vừa rồi, với việc ra mắt Khanmigo, chúng tôi cho thấy rằng ta không chỉ hạn chế được các nhược điểm mà còn kiểm soát được AI tạo sinh. Tất cả hoạt động của học sinh sẽ được giáo viên theo sát. Bạn có thể có một AI thứ hai giúp kiểm soát hoạt động dùng AI của học sinh. Nếu học sinh làm việc gì đáng ngờ, có những hành vi học tập không hiệu quả hay gian lận, thì AI có thể chủ động thông báo cho cha mẹ hoặc giáo viên. Đặc biệt, Khanmigo chỉ định hướng. Công cụ AI này không làm hộ mà làm cùng bạn. Nếu bạn bảo viết bài luận, Khanmigo sẽ không làm hộ mà sẽ làm người hướng dẫn bạn viết. Trong tương lai, tôi nghĩ sẽ có những loại bài tập giáo viên cho phép học sinh dùng bất cứ công cụ nào hỗ trợ vì trong thực tế khi làm việc đôi lúc bạn cần dùng các công cụ để viết, soát lại hoặc tạo bản nháp cho một vài phần việc bạn đang làm. Nhưng cũng sẽ có loại bài tập giáo viên yêu cầu học sinh tự làm toàn bộ. Vì vậy, về phần mình, chúng tôi đang cố gắng tạo công cụ giúp giáo viên giao bài qua AI. AI làm việc với học sinh và AI báo lại cho giáo viên những điều như "Tôi đã làm bài cùng học sinh. Chúng tôi đã lập dàn ý, lên ý tưởng. Tôi đã đưa nhận xét và học sinh hiện đang ở mức này". Hoặc "Học sinh đã đạt mức đầu tiên theo bảng tiêu chí đánh giá". RỦI RO VÀ THÁCH THỨC QUAN ĐIỂM VỀ VIỆC CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ GIÁO DỤC CẤM DÙNG AI Khi các nhà giáo dục nghĩ về AI tạo sinh, điều đầu tiên họ nghe thấy hoặc nghĩ đến là ChatGPT vì đây là công cụ AI tạo sinh đầu tiên tạo cơn sốt trên toàn cầu. Nhưng ta cũng cần lưu ý rằng hầu hết mỗi công cụ công nghệ đều sẽ được tích hợp một yếu tố của AI tạo sinh. Điều này thực ra rất quan trọng vì một số trường ban đầu cấm ChatGPT vì muốn nghiên cứu kỹ hơn việc ứng dụng công cụ này. Nhưng ta nên biết rằng Microsoft Word cũng sẽ ứng dụng AI tạo sinh để viết văn bản cho bạn. PowerPoint, Trang trình bày và Trang tính Google hay Excel sẽ tự tạo hàm hoặc tạo các trang trình chiếu cho bạn. Ta còn có ứng dụng Gamma, có thể tạo một bản trình chiếu hoàn chỉnh từ đầu đến cuối. Bạn đưa một chủ đề, công cụ này sẽ lập dàn ý. Bạn sửa dàn ý, công cụ này sẽ tạo bản trình chiếu hoàn chỉnh. Cũng có những công cụ viết mã lập trình tự động và nhiều công cụ trong số này có công nghệ nền tảng giống ChatGPT. Đó chính là mô hình ngôn ngữ lớn. Vậy là ta không chỉ có một công cụ. Vì thế ta không thể nào cấm AI trong giáo dục vì ta đâu thể cấm việc dùng Microsoft Word và Google Docs trong trường học. Do đó, trường học cần tìm cách đón nhận công nghệ này. Sẽ có các công cụ như Khanmigo được phát triển riêng cho giáo dục. Sẽ có những công cụ được phát triển cho mục đích chung. Nhà trường cần biết rằng học sinh sẽ tiếp cận được các công cụ này dù họ có thích hay không. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC AI ẢNH HƯỞNG ĐẾN VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN TRONG TƯƠNG LAI THẾ NÀO? Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu AI có thể thay thế nhân sự không? Có lẽ AI sẽ đảm nhận hoàn toàn một số vị trí. Nhưng với việc giảng dạy, tôi dám chắc nhu cầu về giáo viên trên toàn cầu sẽ không giảm đi. Thế giới vẫn đang đối mặt với sự thiếu hụt giáo viên. Nếu AI có thể giúp đơn giản hóa việc dạy học, giảm phần nào khó khăn trong việc giảng dạy và làm cho việc học trở nên cá nhân hóa hơn, tôi nghĩ ta sẽ có đủ giáo viên. Giáo viên sẽ không dễ dàng bị thay thế như vậy. Tôi tin rằng AI sẽ giúp cá nhân hóa việc học, giảm bớt công việc cho giáo viên, tăng sự hướng dẫn và hỗ trợ để giúp học sinh giải quyết vấn đề, giải quyết vướng mắc hoặc tạo động lực cho học sinh. Giáo viên ngày nay đang phải bận rộn làm cả những việc không trực tiếp gắn với học sinh. AI nên được dùng để giúp giáo viên dành nhiều thời gian hơn với từng học sinh. AI không khiến giáo viên bị mất việc. Thực chất, AI đang giúp giáo viên thực hiện công việc mà họ thực sự muốn làm. Tôi rất đồng ý với anh. Bên cạnh đó, tôi nghĩ các vị trí công việc an toàn nhất trong thế giới có AI tạo sinh là các vị trí liên quan đến kết nối giữa con người, ví dụ các vị trí đào tạo hoặc chỉ huy, là các công việc như vậy. AI tạo sinh sẽ giúp các công việc đó còn bền vững hơn. Như anh nói, ta đang thiếu giáo viên vì nhiều giáo viên thấy kiệt sức. Nếu giáo viên không phải làm quá nhiều việc hành chính, được cung cấp hướng hỗ trợ học sinh tốt hơn theo cách mới, thì họ sẽ thích công việc hơn. Tôi đã nói với nhiều giáo viên là hãy tưởng tượng Bộ Giáo dục nói, "Tin tốt cho mọi người đây, chúng tôi có kinh phí để tuyển 5 trợ giảng cho mỗi giáo viên. Trợ giảng này sẽ làm mọi thứ bạn cần, giúp soạn kế hoạch bài giảng, giúp bạn chấm điểm, làm việc với học sinh, trả lời câu hỏi cho học sinh giúp bạn. Họ sẽ báo cáo lại cho bạn, và làm đúng những gì bạn muốn". Tôi nghĩ tất cả giáo viên đều sẽ vui mừng. Và điều này sắp xảy ra. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC AI ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP NHƯ THẾ NÀO? AI sẽ chạm đến mọi ngành công nghiệp ở mọi khía cạnh có thể. Tôi muốn làm rõ một điều quan trọng là nhiều người đã bắt đầu phân biệt giữa công việc và các nhiệm vụ bên trong. AI sẽ giúp nhiều người thực hiện các nhiệm vụ trong công việc hiệu quả hơn nhưng trong đa số trường hợp, AI không thể thay thế cả một vị trí công việc. Ví dụ như trong các công việc có nhiệm vụ viết lách, tôi nghĩ năng suất thực hiện nhiệm vụ này sẽ tăng ít nhất hai lần. Bất kì công việc nào có nhiệm vụ làm bản trình chiếu, hay tạo các tác phẩm... Tôi nghĩ bất kỳ công việc nào cần làm việc với máy tính, bằng cách này hay cách khác, sẽ không bị thay thế mà trở nên dễ dàng hơn khi có AI. Nghĩa là dù bạn đang viết mã lập trình, rà soát hợp đồng, viết bằng sáng chế, rà soát bằng sáng chế, truyền thông và đăng bài lên mạng xã hội hay bạn đang tạo trang tính hoặc phân tích dữ liệu trong trang tính, mọi ngành nghề, từ marketing đến bán hàng, kế toán, vân vân, AI sẽ không thay thế bạn mà sẽ giúp công việc của bạn dễ dàng hơn do các nhiệm vụ có tính lặp lại sẽ được tự động hoàn thành. Với những công việc có phần cần viết lách, AI có thể làm bản nháp đầu tiên hoặc sửa lỗi giúp bạn để giảm thời gian và chi phí hoàn thành công việc. Một trong những điều quan trọng khi ta xem xét tác động của AI đến tất cả công việc trong thời đại số là nhận ra tầm quan trọng của việc hệ thống giáo dục dạy học sinh biết AI là gì, dùng như thế nào, AI vận hành ra sao, rủi ro, điểm mạnh và điểm yếu của AI là gì. Vì bây giờ, phần lớn người trưởng thành coi AI này là một công cụ thần kỳ. "AI vừa ra mắt. Thật kỳ diệu!" Nhưng quan trọng là ta phải hiểu nền móng và khái niệm của các mô hình ngôn ngữ lớn, biết rằng chúng dùng số liệu thống kê để tạo ra suy nghĩ hay chính là các phép toán để hiểu tại sao công cụ này có thể có sai sót. Ta cần hiểu rằng các mô hình được đào tạo bằng dữ liệu. Các dữ liệu này là thông tin để mô hình đưa ra câu trả lời và chúng có thể có thiên kiến hoặc có lỗ hổng thông tin. Quan trọng là học sinh, khi các em được đào tạo để trở thành lực lượng lao động, phải hiểu được công nghệ các em sẽ sử dụng trong công việc sau này thực sự vận hành như thế nào. RỦI RO VÀ THÁCH THỨC AI HỖ TRỢ GIÁO VIÊN HOÀN THÀNH CÁC NHIỆM VỤ HÀNH CHÍNH VÀ CẢI THIỆN HIỆU SUẤT LÀM VIỆC NHƯ THẾ NÀO? Một điều mà nhiều người không làm giáo viên không biết, nhưng các giáo viên đều biết là họ dành gần nửa thời gian để chấm bài, viết báo cáo tiến độ, soạn kế hoạch bài giảng... - Nhưng không lên lớp với học sinh. - Có khi họ vẫn lên lớp nhưng không phải để trực tiếp tương tác với học sinh. Các nhiệm vụ cứ chồng chất như vậy. Trong một lớp học điển hình, bạn sẽ có khoảng 3, 4 hoặc 5 nhóm học sinh khác trình độ và bạn phải phân biệt để giải quyết vấn đề đó. Chúng tôi nghĩ AI tạo sinh sẽ là món quà lớn cho giáo viên. Ta có rất nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục hữu ích. Bản thân chúng tôi cũng làm ra những sản phẩm vì mục tiêu hỗ trợ hoạt động trên lớp. Nhưng giáo viên thường nghĩ, "Tôi lại phải học một công cụ nữa ư? Tôi đã kiệt sức rồi". Nhưng điều thú vị về AI tạo sinh là giả sử giáo viên đang dành 10, 15 hoặc 20 giờ một tuần để soạn kế hoạch bài giảng, báo cáo tiến độ, tạo tiêu chí đánh giá, chấm điểm, vân vân, thì trong vài năm tới, 15, 20 giờ một tuần sẽ giảm xuống còn vài giờ. Vậy ta đã tiết kiệm thời gian và công sức cho những giáo viên đang kiệt sức vì họ có quá nhiều công việc. Từ đó, họ sẽ có thêm thời gian và năng lượng cho học sinh. Họ có thể đưa ra những hướng dẫn phù hợp với từng đối tượng hơn. AI sẽ là trợ giảng hỗ trợ giáo viên. AI có thể là gia sư hoặc trợ lý học tập của học sinh trên lớp. Như vậy, trải nghiệm học của học sinh được cá nhân hóa hơn. Đúng vậy, AI đã có sẵn trong một số ứng dụng và nhiều công cụ hiện giáo viên đang dùng cũng sẽ được tích hợp AI để giúp họ chấm điểm, tạo bảng tiêu chí đánh giá hay kiểm tra lại cách đánh giá. Nhiều công cụ sẽ được tích hợp AI để công việc của giáo viên dễ dàng hơn. TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG VÀ KHẢ NĂNG VƯỢT TRỘI CỦA AI, HỌC SINH CẦN HỌC CÁC KỸ NĂNG GÌ? Thậm chí trước khi có ChatGPT và AI tạo sinh, mọi người đều thấy thế giới thay đổi từng ngày và tự hỏi học sinh nên học những gì. Và họ thường ngạc nhiên khi tôi nói thực ra ta vẫn chỉ cần các kĩ năng truyền thống. Nếu bạn biết cách viết tốt, bạn có kiến thức nền vững, giả sử về quyền và nghĩa vụ công dân, tài chính, bạn cũng biết dùng các công cụ nhất là các công cụ công nghệ, nếu bạn có kĩ năng tư duy phản biện tốt, có tư duy về đại số cơ bản, một chút kiến thức thống kê, thì bạn có thể làm việc hiệu quả ở bất kỳ thời điểm nào. Tôi nghĩ điều này càng đúng trong thời kỳ cách mạng của AI tạo sinh. Nhiều người nghĩ, "AI tạo sinh có thể viết luận thì cũng sẽ giải được toán". Nhưng một điểm ta cần lưu ý là học sinh trong tương lai sẽ phải điều khiển AI tạo sinh. Giả sử một người trở thành biên tập viên của một tòa báo và họ sẽ quản lý các phóng viên bên dưới. Vậy biên tập viên có cần biết viết lách không? Chắc hẳn ta sẽ nghĩ, "Có chứ, thậm chí còn phải viết thật tốt vì họ đang quản lý người khác". Như vậy, AI tạo sinh không phải tấm vé miễn phí để chúng ta không phải học gì nữa. Với những người muốn làm việc trong nền kinh tế tri thức và muốn có một vị trí tốt trong sự nghiệp, họ phải có kiến thức chuyên sâu hơn AI tạo sinh và điều khiển được AI tạo sinh. Nghĩa là không chỉ hiểu công cụ này, mà còn hiểu kĩ năng nền tảng của AI tạo sinh để làm tốt hơn AI tạo sinh. Nếu tôi nghĩ đến các kĩ năng sẽ cần nhất trong tương lai, đó sẽ là các kĩ năng anh nhắc đến: tư duy phản biện, giải quyết vấn đề, đọc viết. Ngoài ra còn có kĩ năng số, bao gồm việc biết cách dùng công cụ số, và thực sự hiểu cách công cụ đó vận hành. Những kỹ năng này sẽ ngày càng quan trọng trong thị trường lao động. Vì tôi đang vận hành Code.org, tôi cũng nhận được câu hỏi là liệu nghề lập trình có biến mất không vì AI có thể viết mã lập trình. Cũng giống như việc viết lách vậy, AI giờ có thể viết luận. Nhưng ta có ngừng dạy viết không? Tôi không nghĩ sẽ có ai cho rằng việc dạy viết không còn cần thiết nữa vì viết là một cách giao tiếp. Và với lý do tương tự, ta không nên ngừng dạy lập trình. Như anh nói, cơ bản thì những ai biết lập trình sẽ có sức mạnh đặc biệt vì họ có thể quản lý một nhóm lập trình viên chính là AI. Giống như người biết viết lách, họ cũng có thêm năng lực vì họ sẽ cần quản lý một nhóm nhà văn AI. Đúng vậy, một số người có thể sẽ tạo được mẫu ứng dụng mà không cần biết lập trình. Nhưng họ sẽ không tạo được một ứng dụng có thể dùng trong thực tế vì họ sẽ không biết về những vấn đề phức tạp như lỗ hổng bảo mật hay vấn đề hiệu suất có thể gặp phải. Họ vẫn cần biết cách lập trình. TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI AI SẼ NHƯ THẾ NÀO TRONG 5 NĂM TỚI? Hiện nay, khi ChatGPT và các mô hình ngôn ngữ lớn ra mắt, nhiều người nghĩ rằng AI chủ yếu là công cụ để ta trò chuyện cùng. Chẳng hạn như việc chuyển văn bản thành giọng nói và ngược lại, ta nói chuyện với AI như với Siri hay Alexa. Nhưng ta đang bắt đầu thấy những công nghệ mới áp dụng mô hình ngôn ngữ lớn hoặc thậm chí chỉ là mô hình ngôn ngữ nhưng có thể hiểu văn bản và cũng có thể tạo ra hình ảnh. Các khía cạnh khác nhau của AI tạo sinh đang bắt đầu tập trung lại. Vì vậy trong những năm tới, ta sẽ thấy điều thú vị, có thể trong vòng từ 3 đến 5 năm thôi, AI tạo sinh, gọi tắt là AI, có thể sẽ hiểu được bài viết của học sinh, hay có thể trò chuyện, lắng nghe và thấu hiểu học sinh. Tôi nghĩ giao diện đối thoại truyền thống như ChatGPT là bước đệm cho sự phát triển hơn nữa của công nghệ. Anh nghĩ đến khi nào ta sẽ phát triển được gia sư AI, một công cụ ta có thể thực sự nhìn thấy, nói chuyện và nghe thấy? Tôi nghĩ đến năm 2025 hoặc 2026, ta có thể có hội nghị trực tuyến với một gia sư AI có tư duy khá tốt. Gia sư AI này có thể ghi nhớ và có sự thấu hiểu về bạn. Ngoài ra, ta cũng có một số xu hướng khác đã phát triển AI lên tầm cao mới. Apple đang cho ra mắt kính thực tế ảo. Nhưng tôi nghĩ ta sẽ cần thêm thời gian để các ứng dụng này trở nên phổ biến. Có lẽ trong khoảng từ 5 đến 10 năm. Trong 10 năm tới, tôi nghĩ chúng ta có thể thấy mình ngồi với một AI khi đeo kính thực tế ảo. Nhưng ta có thể gọi trực tuyến với AI trong vòng 3 năm tới. Tôi không chắc về thời gian ta có thể dùng kính thực tế ảo vì điều đó còn liên quan trọng lượng kính Nhưng về khả năng gọi trực tuyến với AI và có một gia sư giống con người, tôi đồng ý là có thể xảy ra trong 5 năm tới. Điều này đáng để bất kỳ ai làm giáo dục suy nghĩ về việc thế giới sẽ ra sao khi mỗi học sinh chỉ cần có máy tính kết nối mạng là có thể có gia sư riêng. Đó là một viễn cảnh tuyệt vời khi xét từ góc độ công bằng vì hiện tại, chỉ các gia đình giàu có mới thuê được gia sư riêng cho con. Trong tương lai, ta sẽ có một gia sư AI không chỉ có khả năng nhắn tin mà còn đối thoại được. TRIỂN VỌNG TƯƠNG LAI NHỮNG CHIA SẺ CUỐI CÙNG Nếu bạn là một giáo viên bắt đầu làm quen với thế giới AI tạo sinh, đầu tiên hãy hít thở sâu và thư giãn, mặc dù có thể bạn đang thấy thế giới này thay đổi quá nhanh. Chỉ cần ngay lúc này, bạn có sự quan tâm đến AI thì bạn vẫn có thể đón đầu thời kỳ tân tiến này, do đó đừng lo lắng. Đặc biệt nếu bạn có thời gian, có thể là nghỉ hè hay nghỉ lễ, hãy bắt đầu tìm hiểu AI. Bạn có thể dùng ChatGPT và đưa ra yêu cầu để công cụ này giúp mình như "Soạn kế hoạch bài giảng" hay "Lên tiêu chí đánh giá". Hoặc bạn có thể thử Khanmigo. Khanmigo có sẵn các chủ đề, câu lệnh mẫu và sẽ giúp bạn hình dung một bảng tiêu chí đánh giá hay kế hoạch bài giảng tốt là như thế nào. Hệ thống cũng có các hoạt động giúp giáo viên xem lại kiến thức trước khi giảng bài. Khanmigo cũng giúp tạo hoạt động để tổng kết buổi học, kế hoạch bài giảng, tiêu chí đánh giá, mục tiêu học tập. Ta cũng có nhiều hoạt động khác cho học sinh. Ta có một số câu lệnh đơn giản như "Dạy tôi về STEM", "Dạy tôi về nhân văn học", "Hãy trò chuyện với George Washington". Nếu học sinh có tiết đọc hiểu hay vừa đọc xong ba chương đầu tiểu thuyết Gatsby vĩ đại, giáo viên có thể mở đầu tiết học, "Chúng ta trò chuyện với vị khách đặc biệt nhé. Jay Gatsby đó!" Nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng nhưng Khanmigo hiện có khả năng đó. Giáo viên có thể thử dùng Khanmigo như vậy. Bạn cũng có thể yêu cầu AI nghĩ cách dạy sáng tạo cho một chủ đề cụ thể. Nếu bạn đang chỉ dùng một cách dạy và bạn muốn tìm một cách dạy sáng tạo hơn, bạn chỉ cần nhập yêu cầu đó kèm theo chủ đề dạy và AI sẽ đưa ra các ý tưởng mới mà có thể bạn chưa nghĩ tới. Đây là một công cụ tốt để cùng nghĩ ý tưởng. Liên quan đến điểm này, chúng tôi nhận thấy một trong các hoạt động của Khanmigo mà giáo viên hay dùng nhất là "tạo phần mở đầu của bài học". - "Phần mở đầu" ư? - Đó là phần gợi hứng thú cho học sinh. Chúng tôi rất ấn tượng với sức sáng tạo của AI. Nhưng một lần nữa, ta không đưa hết việc sáng tạo cho AI. Khi hai người cùng nhau bàn ý tưởng sáng tạo, họ sẽ cùng giúp nhau trở nên sáng tạo hơn, không phải khiến một bên trở nên thụ động. Chúng tôi đã thấy giáo viên phản hồi lại AI như "Đây là gì?", "Cái này thì sao?" và cuộc thảo luận cứ tiếp diễn như vậy. Không bên nào phải làm một mình cả. Mọi người cũng bàn về rủi ro của AI trong giáo dục. Tôi nghĩ rủi ro lớn nhất chính là việc ta không thay đổi và áp dụng cùng một cách dạy cho mọi thứ. Đó là tư duy phủ nhận vấn đề, từ chối cái mới, mong rằng công nghệ này sẽ biến mất hoặc ngăn AI dùng trong lớp học. Rủi ro lớn nhất chính là dạy một môn học bằng một cách duy nhất. AI mang đến những cơ hội thực sự như giúp việc dạy học trở nên dễ dàng hơn. Việc học có thể trở nên thú vị hơn, cá nhân hóa hơn và sáng tạo hơn. Thực tế, có những kiến thức cũ mà ta không cần dạy nữa và có các kĩ năng mới mà học sinh có thể học. Với AI, học sinh có thể học sáng tạo và phát triển năng lực mà trẻ em của thế kỷ trước không có. AI quả có nhiều tiềm năng trong giáo dục. Ở phần tiếp theo của chuỗi video học tập phát triển nghề nghiệp này, chúng ta sẽ đào sâu hơn về AI, tìm hiểu xem AI là gì và giáo viên có thể dùng AI tạo sinh trong công việc như thiết kế bài giảng, tạo tài liệu lớp học và tiết kiệm thời gian làm việc hành chính như thế nào. Nếu bạn là một giáo viên luôn cảm thấy không đủ thời gian trong ngày, bạn sẽ không muốn bỏ lỡ video thứ hai Giải mã AI cho giáo viên. Ngoài ra, đừng quên xem hai video hướng dẫn mới của chúng tôi. Một video giới thiệu về chatbot và mô hình ngôn ngữ lớn. Video còn lại trả lời các câu hỏi như "AI có thực sự có khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng không?" Các video này sẽ giúp giáo viên và học sinh tìm hiểu thêm về AI tạo sinh và cách vận hành của AI tạo sinh. Ghé xem trang web khóa học AI 101 for Teachers tại code.org/ai101 để xem các video và tài liệu bổ sung từ Code.org, ETS, ISTE và Khan Academy. Cảm ơn các bạn. Hẹn gặp lại ở video sau.